Rời xa chốn phồn hoa để đến Ka Đơn và ghé qua nhà thờ Ka Đơn giữa rừng thông, ngoài bình yên, bạn sẽ khám phá ra rất nhiều điều thú vị về đồng bào dân tộc Churu.
Mục Lục
Bình yên ở nhà thờ Ka Đơn – Nơi như dành riêng cho đồng bào dân tộc Churu
Nhà thờ Ka Đơn tọa lạc ở thôn Krăng Go 2, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Nơi này cách trung tâm huyện Đơn Dương 10km, và cách trung tâm Đà Lạt đến hơn 40km.
Vì xa như thế, nên có lẽ chỉ những ai muốn trốn bộn bề và tìm về nơi thanh tịnh, hoặc muốn tìm hiểu đời sống, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Churu mới không quản xa xôi tìm đến nơi này.

Nhà thờ nép mình tĩnh lặng dưới rừng thông. Nếu nhìn từ xa, không chừng bạn sẽ ngỡ đó là một ngôi nhà của đồng bào Churu. Nhà thờ cũng không hề có cổng, thật khác xa với những tòa kiến trúc nguy nga, kín cổng cao tường trong thành phố.

Bạn có tin được không, kinh phí xây dựng nhà thờ chỉ vỏn vẹn 9 tỷ đồng. Và tuy là nhà thờ Công Giáo nhưng nơi này lại không chịu ảnh hưởng của kiến trúc Gothic, không có mái vòm, cũng không tháp chuông nhọn cao vút, lại không tường vây xung quanh. Nhà thờ hệt như một ngôi nhà rông dành chung dành cho mọi người vậy.

Nếu để ý bạn sẽ thấy, nhà thờ Ka Đơn không có bậc thang hay tam cấp, như hòa tan vào thiên nhiên xinh đẹp xung quanh. Sự tĩnh lặng và những mảng màu tươi xanh thanh bình khiến nơi này bình yên đến lạ. Dường như chẳng có bộn bề nào có thể len vào được nơi này vậy.


Nơi bạn có thể tìm thấy mọi điều về dân tộc Churu
Bên cạnh kiến trúc độc đáo, nhà thờ Ka Đơn còn có một khu trưng bày các hiện vật trong đời sống dân dã, văn hóa của đồng bào dân tộc Churu như cồng chiêng, phèn la, cây niêu, cái chén, trang phục, vũ khí phòng thân, săn bắn, bình rượu…
Những vật thể này được sưu tầm từ những năm 1972 đến nay. Có những vật dụng đã không còn tồn tại trong đời sống nữa mà thật sự đã trở thành di tích của quá khứ và lịch sử, chứa đựng văn hóa sinh động, đa dạng, đậm chất núi rừng và linh hồn Tây Nguyên.

Đến đây, bạn sẽ được nghe linh mục kể về lịch sử vùng đất Đơn Dương. Cuộc sống của người Churu như được tái hiện trước mắt.
Sau một quãng đường khá xa và khó nhằn, bạn sẽ tới một lối nhỏ rợp bóng cây xanh dẫn đến nhà thờ Ka Đơn của đồng bào dân tộc Churu. Và kể từ giây phút đó, bạn sẽ thấy như chuyến hành trình chỉ vừa mới bắt đầu mà thôi.